Bé chuẩn bị bước vào giai đoạn ăn dặm khiến mẹ, lo lắng, băn khoăn không biết bé đã ăn dặm được chưa, khi nào thì cho bé ăn dặm. Vậy mẹ có thể tìm hiểu 7 dấu hiệu của bé muốn ăn dặm sau để lựa chọn thời điểm tốt nhất cho bé nhà mình ăn dặm.
7 dấu hiệu bé đã sẵn sàng ăn dặm
Mẹ thường được mách giai đoạn bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi và chuyển sang ăn thô khi bé được 24 tháng. Nhưng đấy chỉ là mốc thời gian xác định chung cho các bé còn thực tế mẹ phải dựa vào thể trạng, vận động và phản xạ nhai nuốt của bé nhà mình để xác định.
Nếu bé nhà mình khi 6 tháng thể trạng kém hơn, phản xạ nhai nuốt còn chậm thì đây lại chưa phải giai đoạn cho bé ăn dặm thích hợp.
Vậy thời điểm để bé ăn dặm tốt nhất chính là khi bé muốn ăn và sẵn sàng ăn dặm, lúc này mẹ có thể dựa vào 7 dấu hiệu sau để nhận biết.
1 – Khi mẹ đã cho bé bú đủ các cữ bú trong ngày (8 – 10 cữ bú) hoặc bé đã ăn nhiều hơn lượng sữa mỗi ngày (khoảng 1000ml) mà bé vẫn đói. Điều này có nghĩa là chỉ bú không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của con. .
(Bé đưa tay lên miệng mỗi khi đòi ăn)
2 – Bé cuống cuồng khi nhìn thấy đồ ăn của mẹ, vội vàng nhoài người với lấy khi thấy đồ ăn mẹ đưa. Những cảm nhận mới về vị giác khiến bé bị kích thích khi nhìn thấy đồ ăn. Mẹ bắt gặp đôi mắt thèm thuồng của bé, hành động vội vàng chụp đồ ăn bỏ vào miệng, bé như đang thể hiện với mẹ rằng bé muốn ăn và sẵn sàng thưởng thức món mới.
3 – Bé đã cứng cáp, có thể giữ thẳng đầu, lưng và tự ngồi được: Biểu hiện này của bé thể hiện hệ xương, hệ cơ vận động của bé đang phát triển, hoàn thiện hơn. Bé có thể quan sát được mọi thứ và muốn khám phá thế giới xung quanh. Bé cần nhiều năng lượng hơn cho các hoạt động của mình vì vậy nhu cầu dinh dưỡng, lượng ăn của bé cũng tăng cao hơn.
Hơn nữa khi bé có thể ngồi được việc mẹ cho ăn cũng dễ dàng hơn so với khi bé vẫn còn nằm. Mẹ sẽ hạn chế được tình trạng bé bị sặc hoặc mắc nghẹn.
4 – Bé há mồm to khi mẹ đút thức ăn cho bé, biết đưa môi dưới về phía trước để nhận thức ăn từ thìa: Bé tỏ ra thích thú khi được cho ăn và ăn ngon lành thức ăn mẹ đút. Động tác đưa môi dưới về phía trước để nhận thức ăn từ thìa thể hiện bé đã biết cách đưa và giữ thức ăn trong miệng, mẹ không cần lo lắng bé sẽ làm rơi vãi hay nhè thức ăn ra ngoài.
Bé thích thú khi được mẹ đút thức ăn
5 – Bé chịu tiếp nhận khi mẹ đưa thức ăn vào miệng: Bé thường có phản xạ dùng lưỡi đẩy ra khi đưa bất kỳ vật lạ nào vào trong miệng ( đây là một phản xạ tự nhiên của bé khi bé cảm nhận thấy nguy hiểm). Vì trong cả quá trình từ lúc sinh ra đến khi bé học ăn dặm, bé thường chỉ ngậm ti mẹ hoặc núm vú.
Nếu bé đã chịu tiếp nhận khi mẹ đưa thức ăn vào miệng, không còn đẩy ra nữa chứng tỏ bé không cảm thấy khó chịu hay sợ hãi. Mẹ có thể cho bé tập làm quen với thức ăn mới để bé có thể cảm nhận và hoàn thiện thêm động tác nhai nuốt thức ăn..
6 – Bé cao hơn, cân nặng của bé đã tăng gấp đôi so với lúc mẹ sinh bé: Bé ngày một lớn hơn, lượng ăn của bé cũng vì vậy tăng theo còn sữa mẹ theo thời gian lại giảm dần về chất lượng và số lượng. Lúc này nếu chỉ bú mẹ sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng để bé phát triển. Mẹ cần bổ sung thêm cho bé vitamin, khoáng chất, các vi chất từ rau, củ, quả, các loại thịt , cá.
7 – Bé ngoảnh mặt đi khi mẹ cho ăn sữa hoặc từ chối ăn món quen thuộc bé hay ăn: Mỗi ngày bé đều phát triển để hoàn thiện hơn cả về thể chất lẫn tư duy, vị giác của bé cũng nhạy bén hơn trước. Bé nhận ra những mùi vị quen thuộc và bé bắt đầu thấy chán, khi được tiếp xúc với những món ăn có mùi vị lạ, hấp dẫn. Lúc này mẹ có thể cho bé ăn dặm để thay đổi, đa dạng khẩu phần ăn hàng ngày cho bé, giúp bé không còn chán ăn.
Bé bắt đầu chối khi mẹ cho uống sữa
Mách mẹ kinh nghiệm cho bé ăn dặm lần đầu
Dù mẹ đã chọn được thời điểm thích hợp cho bé ăn dặm nhưng vẫn còn băn khoăn làm sao để cho bé ăn dặm đúng cách, an toàn. Mẹ có thể tham khảo thêm một số kinh nghiệm sau để vận dụng trong quá trình cho bé ăn dặm lần đầu.
1 – Lựa chọn phương pháp ăn dặm phù hợp với bé: Để chọn được phương pháp ăn dặm phù hợp với bé mẹ cần dựa trên thực tế thể trạng, cũng như tính cách của bé. Với mỗi bé mẹ có thể lựa chọn một trong các phương pháp như: Ăn dặm kiểu nhật, ăn dặm tự chỉ huy, ăn dặm truyền thống hay ăn dặm 3in1.
Tuy nhiên qua thực tế kinh nghiệm của nhiều mẹ, các mẹ đa số đều nhận thấy các bé ăn dặm đạt hiệu hơn khi mẹ sử dụng phương pháp ăn dặm kiểu nhật và ăn dặm truyền thống. Các mẹ đều nhận thấy bé ăn được nhiều và dễ tiêu hóa hơn vì thức ăn đã được xay nhuyễn, lỏng bé dễ nuốt.
2 – Mẹ tránh cho bé ăn dặm khi cơ thể bé đang yếu: Cơ thể của bé còn rất non nớt, nhất là những lúc bé bị ốm, mọc răng, hay tiêm phòng. Những lúc này mọi hoạt động của bé đều chậm lại, năng lượng cần cung cấp ít hơn, bé cần được nghỉ ngơi nhiều. Nếu mẹ cho bé ăn dặm lúc này dễ khiến bé bị mệt mỏi, khó tiêu hóa.
3 – Mẹ nên chọn loại thực phẩm dễ tiêu hóa và ít gây dị ứng cho bé: Giai đoạn này hệ tiêu hóa của bé vẫn còn non nớt, chưa có đầy đủ hệ vi khuẩn đường ruột cùng enzym tiêu hoá thức ăn vì vậy bé chưa thể tiêu hóa được các thức ăn khó tiêu. Mẹ nên ưu tiên lựa chọn các loại rau, củ, quả, thịt tươi dễ tiêu cho bé.
Các loại thực phẩm có hàm lượng đạm cao như tôm, cua, cá biển hay trứng gà mẹ không nên dùng chế biến cho bé tập ăn dặm vì dễ gây dị ứng.
Đa dạng rau, củ, quả trong thực đơn ăn dặm cho bé
4 – Mẹ nên cho bé làm quen từ từ với thức ăn: Bởi bé đã quen với việc ăn sữa từ lúc chào đời, vì vậy mẹ nên cho bé ăn bắt đầu với những món loãng để bé làm quen dần. Sau đó mẹ dần tăng độ đặc, độ thô theo thời gian. Khi được làm quen từ từ với thức ăn sẽ tránh cho bé không bị nghẹn hoặc nôn, trớ.
Mẹ tránh việc ép bé ăn khi bé không đói hoặc ăn lượng nhiều hơn so với nhu cầu của bé. Điều này sẽ tạo cảm giác sợ hãi cho bé, làm bé bị biếng ăn.
5 – Không nên cho bé ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn: Nếu bé được cho ăn dặm quá sớm dễ khiến bé chán sữa và bỏ bú mẹ.Bé sẽ mất đi nguồn cung cấp dưỡng chất cần thiết nhất giai đoạn này cùng với đó bé cũng khó hấp thụ được thức ăn vì hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện hết. Điều này làm tăng nguy cơ bé bị suy dinh dưỡng. Còn với bé được mẹ cho ăn dặm muộn sẽ khiến bé khó khăn khi làm quen với thức ăn thô, dẫn đến trẻ biếng ăn.
Ăn dặm đúng thời điểm giúp bé ngon miệng hơn
6 – Lựa chọn lượng thức ăn phù hợp với thể trạng của bé: Mỗi thời điểm bé lại có sức ăn khác nhau, mẹ nên xem xét tình hình của từng bé để lựa chọn lượng ăn cho bé. Ví dụ :
Khi bé trong khoảng 6 – 7 tháng: Bé chỉ cần lượng ăn dặm thêm khoảng 100ml dạng lỏng 1 ngày.
Bé từ 8 – 9 tháng : Mẹ tăng độ đặc cùng lượng ăn lên khoảng 200ml/ngày.
Bé từ 10 – 12 tháng: cần tăng số bữa ăn lên 3 bữa, với 250ml dạng đặc/ ngày.
Bé được 12 – 24 tháng: độ thô của thức ăn được tăng lên, bé có thể ăn 300ml cháo/ngày.
Và cuối cùng có một điều quan trọng mẹ nên lưu ý: Trong một năm đầu đời của bé sữa mẹ vẫn là thức ăn tốt nhất, dễ hấp thu và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng nhất với bé. Mẹ có thể dựa theo nhu cầu của bé để bổ sung thêm cho bé đồ ăn dặm nhưng vẫn nên duy trì để bé được bú mẹ (hoặc uống sữa ngoài) như vậy mới đảm bảo cho bé sự phát triển toàn diện nhất.
Sữa là thứ không thể thiếu trong khẩu phần ăn của bé
Qua bài viết hy vọng mẹ đã có những kinh nghiệm của riêng mình để bé yêu có thể ăn dặm an toàn và đúng cách hơn. Nếu mẹ còn gì băn khoăn, cần hỏi hãy để lại bình luận bên dưới để được giải đáp thêm những thắc mắc. Chúc mẹ và bé sẽ đồng hành vui vẻ trên từng chặng đường phát triển của bé yêu.